Quay về thập niên 1990, thị trường chứng khoán Mỹ trở nên sục sôi bởi những công ty Internet. Được coi như một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế, các Dotcom (doanh nghiệp có tên miền “.” Com) từ 1996 – 1999 xuất hiện ào ạt hàng ngày. Tất cả những gì có liên quan đến Internet đều được các nhà đầu tư săn lùng. Họ đổ xô mua cổ phiếu các dotcom mà không quan tâm đến giá trị thực, bỏ qua những thua lỗ hiện tại để mong đợi vài năm sau thu lợi gấp hàng trăm lần, mặc dù thực tế không phải công ty công nghệ nào cũng thành công trong kinh doanh. Cho tới thời điểm tồi tệ năm 2000, khi bong bóng của các công ty Dotcom nổ và cổ phiếu của những công ty nhóm ngành công nghệ trong chỉ số Nasdaq giảm kỷ lục 78% vào tháng 10/2002. Khi đó vết đen trong kinh tế Mỹ đã rất thảm hại, nhưng nếu nhìn thấu đáo đó cũng chỉ xuất phát từ những tính toán sai lầm của các doanh nghiệp. Tiếp đến, khi FED và các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn còn làm được những gì có thể để cứu thị trường. Và ánh sáng đã trở lại vào thời điểm 2001-2007, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi. Thế nhưng những rủi ro mới đã manh nha xuất hiện. Giá BĐS tăng mạnh, dân tình đua nhau đi vay tiền chính phủ với lãi suất ưu đãi dưới 5% để mua nhà đem đầu tư. Nhiều nơi còn mời chào mua nhà trả góp mà không cần phải bỏ ra bất cứ một đồng xu nào (0% down payment). Trong môi trường tín dụng dễ dãi, những tổ chức tài chính đã có xu hướng cho vay mạo hiểm, kể cả cho những người nhập cư bất hợp pháp vay. Hệ quả là vay và đi vay ồ ạt nhằm mục đích đầu cơ dẫn tới hình thành bong bóng nhà ở. Năm 2005, đã có tới 28% số nhà được mua là để nhằm mục đích đầu cơ và 12% mua chỉ để không. Những khoản tín dụng nhà ở thứ cấp (loại tín dụng dành cho người vay có thu nhập thấp hoặc có độ rủi ro thanh toán cao) được tung ra tràn lan. Giới làm chính sách có lẽ bắt đầu sai từ đây, thay vì nhận ra nguy cơ rủi ro này họ cần chấn chỉnh ngay thì lại là những chính sách theo đuôi, đối phó và cố gắng nhằm duy trì sự thịnh vượng mong manh đó. Cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ mang tên Subprime (2007-2009) đã bắt đầu hình thành sau bong bóng Dotcom. Quay lại với đời sống tại Detroit khi đó, dân tình dễ kiếm được nhiều tiền từ BĐS, chứng khoán lại đổ tiền ra mua ôtô, lên đời xế hộp, bỏ xe cũ đi mua xe xịn hơn. Trong khi đó, Detroit vốn sống dựa chủ yếu vào nền công nghiệp ôtô. Công ăn việc làm ổn định, đâu đâu cũng thấy tuyển mộ nhân viên mà không đủ, nhân viên các xưởng phải làm thêm giờ (overtime), đồng nghĩa với tiền nhiều, lại dẫn đến giá nhà tăng. Lương cao, kinh tế tốt, dẫn đến thu nhập từ thuế của chính phủ cũng cao, đầu tư ngược lại vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội ồ ạt, dẫn đến thành phố sạch đẹp, người từ khắp nơi kéo về Detroit để “tận thu” một cuộc sống trong mơ. Đến năm 2007, khi mà vụ khủng hoảng tài chính Subprime đã đi đến ngày kết, vỡ bong bóng BĐS, cộng với sự sụp đổ của nền công nghiệp ôtô Mỹ với hãng xe hơi đứng đầu thế giới General Motor, Ford, Chrysler suy sụp… đã đánh sập hoàn toàn mọi giấc mơ hồi sinh của Detroit. Thế nhưng, đáng nhẽ ngay từ thời điểm này, từ nỗ lực cứu vãn dứt khoát riêng trong ngành ôtô đã thành công, chính quyền đã nên mạnh tay cho xóa sổ và xây dựng lại chính sách xã hội từ đầu thì có thể Detroit đã không rơi vào cảnh tồi tệ của hôm nay. Ngành ôtô Detroit khi đó thực sự đã “nát bươm” vì những ảnh hưởng tiêu cực của vỡ bong bóng BĐS và khu vực tài chính nói chung, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Những mẫu xe tải và SUV đắt tiền, tiêu thụ nhiều nhiên liệu đã thành gánh nặng không thể cứu. Tình hình khủng hoảng của ngành chế tạo ôtô Hoa Kỳ lên đỉnh điểm với những khoản lỗ khổng lồ của Big Three. Tháng 2/2008, GM thông báo năm 2007 hãng bị lỗ 38,7 tỷ USD. Ford có mức lỗ là 2,723 tỷ USD. Tám tháng đầu năm 2008, Chrysler bị lỗ tới 400 triệu USD. GM bị lỗ trước thuế 4,2 tỷ USD chỉ riêng trong quý III/2008, trong khi Ford lỗ 2,75 tỷ USD. Cả ba hãng chế tạo xe lớn nhất Hoa Kỳ đều buộc thu hẹp sản xuất, tái cơ cấu và xin chính phủ cho vay cứu trợ. GM đã tuyên bố đóng cửa 24 nhà máy, cho nghỉ việc vài vạn lao động. Đồng thời, hãng tuyên bố sẽ bán vài mác xe (Hummer, Pontiac, Saab), cắt quảng cáo. Trong khi đó, Ford đóng cửa một số cơ sở sản xuất của mình tại Bắc Mỹ, châu Âu và Philippines, bán các đi Jaguar, Land Rover, Ranger, Volvo. Còn Chrysler tuyên bố tạm ngừng sản xuất tại tất cả các nhà máy sau đó đi tìm người mua mình. Đặc biệt, Big Three bắt đầu tuyên bố phải nghĩ đến loại xe nhỏ và ít tiêu hao nhiên liệu, bao gồm cả xe chạy bằng điện - một điều mà vốn dĩ họ vẫn sĩ diện chê bai lâu nay? Quan điểm của chính quyền Mỹ ban đầu là không có ý định cứu ngành ôtô và chủ trương để cho phá sản. Tuy nhiên, sau đó ông Bush đổi ý, phê chuẩn kế hoạch cho 3 hãng ôtô lớn nhất của Hoa Kỳ vay 17,4 tỷ USD và trong gói tài chính 700 tỷ để cứu nền kinh tế chung. Tổng thống mới Barack Obama cũng tuyên bố cứu và thực sự đã ký thêm cho các hãng xe 50 tỷ USD, nhưng ông đề nghị phải cải tổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự thực là vài chục tỷ USD cũng đã không cứu nổi họ. Đến ngày 30/3/2009, ông Obama đã phải cho rằng phá sản hoặc tái cơ cấu là sự lựa chọn tốt nhất đối với GM. Lúc này đã nảy ra tranh cãi nảy lửa về chuyện cứu hay không cứu ngành công nghiệp ôtô Hoa Kỳ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai. Các nhà kinh tế dưới góc độ tư vấn chuyên môn đã chạy một mô hình kinh tế lượng để ước lượng phí tổn của trường hợp phá sản. Mục tiêu của họ là giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được tác động của phá sản trong ngành công nghiệp ôtô. Họ cho rằng xóa sổ Big Three sẽ làm mất 24 vạn việc làm nghành (lương bình quân Big Three là 67.400 - 81.940 USD năm 2007), mất 98 vạn việc làm tại các công ty cung ứng linh kiện và đại lý bán hàng, 1,7 triệu việc làm liên quan. Tổng cộng là 3 triệu việc làm bị mất. Kết quả cho rằng phá sản Big Three sẽ làm thu nhập cá nhân ở Hoa Kỳ giảm 151 tỷ USD năm thứ nhất, 398 tỷ USD trong 3 năm. Chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương sẽ bị mất một khoản thu ngân sách lớn, và còn phải tăng chi cho chương trình an sinh xã hội thêm 156 tỷ USD trong vòng 3 năm. Còn các nhà kinh tế thiên về quản lý chính sách thì cho rằng phá sản về dài hạn sẽ không có mất việc làm hay tổn hại tới nền kinh tế. Michael Schuman của Time Magazine nhận định dù một công ty khổng lồ phá sản là điều không hay, nhưng thà thế còn hơn để nó sống mà không có triển vọng phát triển. Ông này so sánh khả năng sụp đổ của ngành ôtô Mỹ với vụ phá sản của Daewoo ở Hàn Quốc năm 1999. Mức độ tác động của Daewoo tới kinh tế Hàn Quốc lớn hơn của Big Three tới kinh tế Hoa Kỳ. Niềm tin vững chắc rằng chính phủ sẽ không để Daewoo và các tập đoàn Hàn Quốc sụp đổ đã khiến nhiều ngân hàng và nhà đầu tư tiếp tục vứt tiền đi cứu, bất chấp thực tế là các công ty này chỉ có những kế hoạch kinh doanh kém, dự án không có lợi nhuận và chỉ cố bòn rút tiền cứu trợ để thu vén tài sản cá nhân. Cho tới khi nhận thức “Too Big To Fail - chính phủ không bao giờ để công ty lớn bị phá sản” đã sụp đổ thì các ngân hàng và nhà đầu tư đã quyết liệt chuyển vốn sang khu vực kinh doanh đang đói vốn thực sự, vì vậy mà thực tế là GDP của Hàn Quốc đã tăng mạnh sau khi Daewoo phá sản. Cũng tương tự ở Nhật Bản trong "Thập kỷ mất mát", khi các ngân hàng cố bơm tiền vào các công ty "sống dở chết dở" không có lợi nhuận, cho đến khi không thể cứu. Và Nhật chỉ bắt đầu phục hồi khi kiểu đầu tư trên chấm dứt. Nhà kinh tế Hoa Kỳ Paul Krugman - người đoạt giải Nobel năm 2008 - cũng cho rằng "kế hoạch của các nhà lập chính sách Hoa Kỳ cứu Big Three chỉ là một giải pháp ngắn hạn vì không dám thấy một ngành công nghiệp lớn bị phá sản giữa lúc khủng hoảng kinh tế..." Đồng thời hầu hết các hãng truyền thông lớn trong các cuộc phỏng vấn cũng chung quan điểm rằng nên để ngành công nghiệp ôtô phá sản hơn là đi cứu họ. Và kết quả đã đúng như vậy, mặc dù nhận được các khoản cho vay của chính phủ, GM vẫn “nát bét” và đã phải nộp đơn xin phá sản có bảo hộ. Ford và Chrysler cũng buộc phải “thanh trừng” và tái cơ cấu nghiêm túc, quyết liệt, thậm chí bán hết cho những nhà đầu tư nghiêm túc mới. Tất cả GM, Ford và Chrysler hiện nay đã mạnh trở lại nhanh chóng là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng, giới quan chức thành phố lại có vẻ như không học được gì từ sự cải tổ mạnh tay của các hãng xe. Theo đà suy giảm của ngành công nghiệp xe hơi, nhiều bộ phận hãng xe đã chuyển nhà máy khỏi Detroit tới các thành phố khác hoặc ngưng hoạt động. Detroit đã sụt giảm dân số hiển nhiên, từ khoảng 2 triệu người (1950) xuống còn chưa đầy 700.000 người hiện nay. Chưa kể nó còn đối mặt với nhiều vấn đề như dịch vụ công tồi tệ, chi tiêu vô vạ, tội phạm gia tăng, chênh lệch mức sống lên cực điểm và đặc biệt là tham nhũng. Chính quyền vẫn cố duy trì nếp làm việc cũ và trông chờ vào “ơn trên”? Cho đến khi không còn đủ sức để chi, ngân sách cạn kiệt và Thống đốc bang Michigan - Rick Snyder - đã phải đồng ý cho Detroit phá sản ngày 18/7. Như vậy thêm một lần nữa việc chính quyền Detroit rơi vào cảnh bất lực và xin phá sản cho thấy cách quản lý theo kiểu đối phó và “ăn bám” vào các khoản cứu trợ là không thể nào giải quyết được vấn đề. Cũng chính Thống đốc bang Michigan đã nói với báo giới: "Rõ ràng rằng tình trạng tài chính khẩn cấp ở Detroit không thể được giải quyết thành công bên ngoài đơn xin bảo vệ phá sản và đây là lựa chọn hợp lý duy nhất. Các công dân Detroit cần và xứng đáng có một con đường sạch để tiến ra khỏi vòng xoáy suy giảm. Lối đi khả dĩ duy nhất tới một Detroit ổn định và bền vững là xin bảo vệ phá sản". Tuy nhiên, dựa trên những thực tế cho thấy tương lai của Detroit vẫn còn nhìn thấy ánh sáng. Bởi may mắn là người Mỹ còn có một hệ thống chính quyền “mẹ” biết phân biệt rạch ròi giữa người làm chính sách với các nhóm lợi ích bẩn. Hay nói cách khác là lợi ích công tư không nhập nhèm, vận động theo các quy phạm luật pháp công bằng. Chứ chưa nói đến chuyện họ không có một mớ các chuyên gia nói leo, lèm nhèm và dốt nát. |