Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Đảng nhân dân Campuchia vẫn sẽ giành chiến thắng

Đây là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị ở đất nước chùa Tháp vì một mặt nó cho thấy tình hình chính trị Campuchia từ năm 1993 đến nay dần đi vào ổn định, mặt khác nó cũng thể hiện sự cạnh tranh công bằng quyết liệt giữa các đảng lớn, đặc biệt là giữa đảng CPP và đảng CNRP. Theo những diễn biến trên chính trường gần đây, một thắng lợi lớn dành cho CPP gần như không thể đảo ngược vì các lý do sau:

Trước sự kiện chính trị quan trọng này, các đảng đăng ký tranh cử, đặc biệt là hai đảng CPP và CNRP đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhằm giành được số ghế tối đa có thể. Như CPP chẳng hạn, từ giữa tháng 3, đảng này đã tiến hành Đại hội bất thường, thông qua Cương lĩnh chính trị 11 điểm bao gồm các nội dung chủ yếu như đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ quân chủ lập hiến và hệ thống chính trị tự do dân chủ đa đảng, đường lối đối ngoại trung lập; bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; thúc đẩy cải cách trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường hội nhập khu vực và thế giới; giới thiệu và ủng hộ ông Hun Sen, Phó Chủ tịch đảng làm ứng cử viên Thủ tướng nhiệm kỳ V và các nhiệm kỳ tiếp theo; giữ vững nguyên tắc thành lập Chính phủ liên hiệp với đảng FUNCINPEC… Đảng FUNCINPEC dù đã sa sút nghiêm trọng cả về tổ chức lẫn uy tín vẫn quyết tâm khôi phục vị trí và ảnh hưởng. Sự tái hợp của đảng Dân tộc với đảng FUNCINPEC là một sự sắp xếp cơ cấu lại một cách hợp lý với Chủ tịch đồng thời là ứng viên chức Thủ tướng là Công chúa Norodom Arun Rasmey. Luôn đặt mục tiêu hòa giải, hòa hợp dân tộc, hòa bình và ổn định chính trị lên hàng đầu, đảng FUNCINPEC tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đảng CPP và sẽ liên minh với đảng này trong và sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Mới được thành lập từ cuối năm 2012 trên cơ sở sáp nhập đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền, đảng CNRP là chính đảng đối lập lớn nhất ở Campuchia, đưa ra chính sách chiến lược với một số nội dung cơ bản như bảo vệ biên giới lãnh thổ trên cơ sở hợp tác bình đẳng với các nước láng giềng; thực hiện nghiêm túc luật di trú; rà soát lại đất đai, đặc biệt là đất đai cấp cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; cải cách hệ thống quyền lực nhà nước; nâng cao đời sống nhân dân bằng cách tăng lương cho công nhân, giáo viên, công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, trợ cấp cho người già, đảm bảo giá cả hàng nông sản, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, giảm giá xăng, giá phân bón, giá điện và giảm lãi vay…

Mặc dù có tới 8 đảng tham gia tranh cử nhưng sẽ chỉ có một số đảng lớn như CPP, CNRP, FUNCINPEC giành được ghế trong Quốc hội. Số ghế của đảng CPP được cho là có thể giảm nhưng vẫn chiếm đa số trong Quốc hội. Sở dĩ xu hướng này diễn ra là vì một số lý do sau:

Một là, căn cứ vào kết quả các cuộc bầu cử trước đó ở Campuchia như kết quả bầu cử Quốc hội, trải qua 4 khóa trong thời gian từ năm 1993 đến 2008, số ghế mà CPP giành được liên tục tăng, cụ thể như sau: khóa I: 51 ghế; khóa II: 64 ghế; khóa III: 73 ghế; và khóa IV: 90 ghế. Ngoài ra, trong các cuộc bầu cử Thượng viện và Hội đồng xã/phường, số ghế của đảng CPP cũng liên tục gia tăng.

Những người ủng hộ đảng cầm quyền CPP vẫy cờ và biểu ngữ chào mừng trên khắp đường phố thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Reuters.

Hai là uy tín của đảng CPP còn được gia tăng thông qua việc Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chính sách như không thu thuế sử dụng đất của nông dân; đo đạc đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân; các quan chức phải tiến hành kê khai tài sản theo định kỳ 2 năm một lần; tăng lương cho công nhân từ 61 USD/tháng lên 80 USD/tháng… Các chính sách này đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu to lớn của nhân dân Campuchia trong những năm vừa qua như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt (bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới, trong năm 2011 và 2012, kinh tế Campuchia đạt mức độ tăng trưởng trên 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.000 USD vào năm 2012; tỷ lệ đói nghèo trong năm 2012 giảm xuống còn 20%...); Cơ sở hạ tầng được nâng cấp cải thiện, đặc biệt là hệ thống đường sá, cầu cống, thủy lợi; y tế, giáo dục từng bước được cải thiện; quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng...

Ba là dự báo của một số tổ chức và cá nhân: đa số các ý kiến cho rằng đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai đảng CPP và CNRP nhưng phần thắng vẫn thuộc về CPP. Phó Chủ tịch đảng CPP Hun Sen cho rằng đảng của ông sẽ giành được ít nhất 2/3 số ghế trong Quốc hội. Tháng 11 năm ngoái, một tổ chức quan sát bầu cử độc lập ở Campuchia cũng đã đưa ra một dự báo, theo đó, số ghế của CPP sẽ giảm từ 90 ghế xuống còn 86 ghế, FUNCINPEC sẽ chỉ giành được 2 ghế. GS.VS. Sum Chhum Bun, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhận định, uy tín và ảnh hưởng của CPP đã lên đến đỉnh cao tại cuộc bầu cử khóa IV năm 2008 với việc đảng này giành được 90 ghế. Chính vì vậy, số ghế của CPP trong cuộc bầu cử lần này có thể sẽ giảm xuống.

Còn đảng Cứu quốc Campuchia có thể sẽ vẫn duy trì được số ghế của đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền vì trong những năm vừa qua, các đảng này đã có sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ ở Campuchia.

Nói về kết quả cuộc bầu cử này, ông Sam Rainsy, Chủ tịch CNRP cho rằng, nếu như bầu cử diễn ra tự do, công bằng thì đảng của ông sẽ giành được thêm ít nhất 60% số ghế của SRP và HRP trong cuộc bầu cử khóa IV. Phó Chủ tịch đảng CNRP, ông Kem Sokha cũng tự tin nói rằng, đảng của ông sẽ giành được số ghế tương đương với số ghế của đảng CPP. Có lẽ các lãnh đạo của CNRP đã quá lạc quan về kết quả bầu Quốc hội sắp tới bởi CNRP sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn vì các lí do: i) căn cứ vào kết quả bầu cử Quốc hội các khóa trước, đặc biệt là khóa IV, tổng số ghế của hai đảng SRP và HRP chỉ có 29 ghế, do đó sẽ không có sự gia tăng đột biến; ii) chính sách của CNRP không có gì mới, chỉ xoay quanh vài vấn đề đã quen thuộc với cử tri Campuchia, đó là vấn đề biên giới lãnh thổ và vấn đề nhập cư trái phép. Nói về điều này, các lãnh đạo của CPP cho rằng CNRP sẽ không tạo ra được sự bất ngờ nào trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ngay sau khi hai đảng SRP và HRP quyết định sáp nhập với nhau, việc này cũng chỉ như “sóng trong một cái cà om” và là “bình mới rượu cũ”; iii) việc CNRP đưa ra lời hứa tăng lương cho công nhân và các lực lượng vũ trang, trợ cấp cho người già như đã nói ở trên là không khả thi vì riêng việc tăng lương của công nhân đã có nhiều cuộc bàn thảo ba bên giữa Chính phủ Campuchia, các tổ chức công đoàn và đại diện các doanh nghiệp nhưng cuối cùng cũng chỉ tăng được từ 61 USD/tháng lên 80 USD/tháng; iv) Việc Chủ tịch CNRP là ông Sam Rainsy mặc dù đã trở về nước nhưng không được tham gia tranh cử là một bất lợi đối với đảng CNRP; v) tháng 11 năm 2012, một tổ chức quan sát bầu cử độc lập ở Campuchia đã đưa ra một dự báo về kết quả cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013, theo đó, liên minh các đảng đối lập (hiện nay là CNRP) sẽ giành được 36 ghế. Ngoài 2 đảng nói trên, các đảng còn lại, trong đó có đảng FUNCINPEC, cũng có thể giành được ghế trong Quốc hội nhưng không nhiều.

Từ những lý do trên, có thể nói rằng, CPP mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân vì những lợi ích mà đảng này đã và đang mang lại cho nhân dân Campuchia. Chính vì vậy, việc CPP giành chiến thắng là điều đã được dự đoán trước và khó có thể đảo ngược.

Nhà báo Pen Samitthy, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia, Tổng Biên tập Báo Tia sáng Campuchia nhận định: “Cần lưu ý rằng chiến dịch tranh cử kéo dài một tháng vừa qua chỉ là việc tiếp tục công việc đã kéo dài trong 5 năm của nhiệm kỳ qua. Không phải những gì diễn ra trong một tháng cuối cùng này sẽ quyết định đảng này thắng, đảng kia thua! Hoạt động trong 5 năm qua sẽ quyết định sự thắng bại của các đảng! Sự thật, CPP có lợi thế rất rõ ràng. Bởi vì họ có một đường lối quần chúng đúng đắn, trong khi các đảng khác thì không. Theo ghi nhận của tôi, và nhiều tổ chức phi chính phủ khác, trong suốt nhiệm kỳ qua, mỗi kỳ nghỉ, thậm chí chỉ một ngày, các quan chức của đảng CPP đều đi cơ sở, về với dân. CPP khác với các quan chức của đảng đối lập, những người dùng phần lớn thời gian làm việc với người nước ngoài hoặc đi nghỉ ở nước ngoài. Mỗi khi có khó khăn như bão lụt, hạn hán, mùa màng thiếu giống…các quan chức CPP đều có mặt để giúp giải quyết. Đây là thành quả mà CPP gặt hái qua những gì mà họ gieo trồng trong 4,5 năm qua. Những chỉ trích nói rằng CPP tặng một món quà nhỏ, cho một ít tiền vặt để mua sự ủng hộ là thiếu thiện chí”